BẢO VỆ MÁY TÍNH BẰNG BỘ LƯU ĐIỆN

1,5K
30/11/-0001

 

 

 

UPS (Uninterruptible Power Supply) không chỉ cung cấp tạm thời điện năng duy trì hoạt động của máy tính khi điện lưới gặp sự cố mà còn làm tăng tuổi thọ cho máy…

Hệ thống điện không ổn định rất dễ làm máy tính hoạt động không bình thường, giảm tuổi thọ thiết bị, chưa kể tình trạng thường xuyên bị mất điện đột ngột có thể gây hư hỏng, và đặc biệt là nguy cơ làm mất những dữ liệu quan trọng đã lưu. Vì vậy, sử dụng UPS không những tránh được những nguy cơ gây hại cho máy tính mà còn làm tăng tuổi thọ của máy.

Trên thị trường hiện nay có 3 dạng UPS chính, xử lý dòng điện vào/ra tùy vào mục đích sử dụng:

UPS offline: Đáp ứng yêu cầu cơ bản về điện, có công suất nhỏ, sử dụng trực tiếp điện lưới, thích hợp cho cá nhân hoặc văn phòng nhỏ. UPS loại này chuyển đổi dòng điện xoay chiều (AC) thành dòng một chiều (DC) để nạp cho ắc quy. Khi dòng điện chính gặp sự cố, bộ chuyển điện hoạt động ở chế độ dự phòng sẽ chuyển dòng DC của ắc quy thành dòng AC để cấp điện cho máy tính.

UPS trực tuyến (online): Hay còn gọi là UPS chuyển đổi kép (double-conversion online), có quy trình xử lý kép về nguồn. Là dòng sản phẩm cao cấp, giá cao hơn UPS offline, UPS online có bộ chỉnh lưu sẽ chuyển dòng AC thành dòng DC của UPS, đồng thời bộ chuyển điện sẽ lấy nguồn DC và tạo ra nguồn AC cấp cho các thiết bị. Loại UPS này thường có kết nối máy tính, chống sét lan truyền, chủ yếu dùng cho thiết bị cao cấp như Server, máy xét nghiệm, ATM, hệ thống điều khiển...

UPS offline với công nghệ Line interactive: Trung gian giữa 2 loại trên, thị trường còn có thêm loại UPS có chức năng ổn áp (AVR) và kết nối máy tính... Thích hợp với những phần cứng quan trọng, có thêm những bộ cảm biến giữa nguồn vào và nguồn ra, thiết bị cho phép bộ chuyển điện của UPS chấp nhận nguồn điện vào và cung cấp nguồn điện ra đã được hiệu chỉnh phù hợp với tải.

Nhìn chung, thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu UPS như SANTAK, APC, SUKAM,  PROLINK, SUNPAC, ARES... giá bán khác nhau, tùy thuộc công suất, thương hiệu. Thời gian bảo hành từ 2-3 năm. Phổ biến nhất là sản phẩm của hãng SANTAK do có hệ thống bảo hành khá tốt, giá cả phù hợp. Ngoài ra, thị trường còn có một số sản phẩm có chức năng chống sét như Sunpac Digital công suất 700EHR, Sunpac công suất 1.000VA/600W…

Thực tế, nếu sử dụng hệ thống máy tính gồm màn hình CRT 15 inch và CPU thì nên chọn UPS có công suất 650VA. Nếu là màn hình LCD (điện năng tiết kiệm hơn màn hình CRT từ 30 - 40%), có thể chọn UPS công suất 500VA. Nếu hệ thống máy tính có kèm theo máy in và modem, nên chọn loại có công suất 1.000VA trở lên... Sử dụng những loại UPS có công suất lớn sẽ không gây ra tình trạng UPS bị “ép” quá tải, thiết bị sẽ bền hơn...

Thời gian cung cấp điện của UPS có thể đạt từ 5 - 30 phút, người tiêu dùng nên tận dụng thời gian này để lưu dữ liệu và tắt máy đúng trình tự. Không dùng nguồn điện để tiếp tục làm việc cho đến khi UPS hết điện. Điều này sẽ gây ra hiện tượng pin của UPS bị chai, không trữ được điện.

 

 

Những lưu ý khi mua bộ lưu điện

Khi mua bộ lưu điện, người tiêu dùng cần lưu ý những điểm sau:

Xác định công suất phù hợp với yêu cầu: UPS có công suất nhỏ hơn yêu cầu của tải trọng không những không cung cấp được điện năng trong thời gian cần thiết mà còn có thể bị hỏng khi không chịu nổi dòng quá tải. Để tránh những tình huống đáng tiếc, bạn nên mua UPS với công suất lớn hơn.

Kiểm tra hệ thống điện của nơi bạn dự định lắp UPS: Nếu mạng điện hoạt động tốt, ổn định, bạn chỉ cần UPS loại đơn giản nhất theo kiểu stand-by. Trong trường hợp bạn dùng chung mạng điện với các nhà máy, xí nghiệp, hoặc lưới điện thường xuyên bị quá tải thì dùng UPS cao cấp hơn như Line-Interactive hoặc online và có công suất lớn hơn.