Thủy điện tây nguyên thiếu nước nghiêm trọng

1,6K
30/11/-0001
THỦY ĐỆN TÂY NGUYÊN THIẾU NƯỚC NGHIÊM TRỌNG

 

 

 “Mùa lũ cạn” năm 2010 đã khiến cả vùng Tây nguyên chìm trong cơn khát. Hậu quả kéo dài đến tận năm nay, cả Tây Nguyên lại đang đón một mùa khô khốc liệt ngày càng hiện hữu.

 Đã gần nửa năm, cả Tây Nguyên chưa có lấy một cơn mưa nào “ra tấm ra món”. Hàng chục ngàn ha cây trồng nơi đây đang quay quắt trong hạn hán. Những bụi cỏ ven đường đã khô cháy, úa vàng vì thiếu nước, tưởng chừng chỉ cần đánh rơi một que diêm là tất cả sẽ chìm trong biển lửa. Trên những nương rẫy cà phê đang mùa ra hoa, những người dân đang ra sức bơm tưới để cố tránh một mùa cà phê thất thu vì thiếu nước. Việc này chẳng dễ dàng chút nào vì nước trên các dòng sông cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng. Khô hạn không chỉ gây khó khăn cho sản xuất của người dân Tây Nguyên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy thuỷ điện ở khu vực này.

Hồ thủy điện cạn nước

Hồ Yaly là hồ nước thuỷ điện lớn nhất Tây Nguyên. Bình thường, mực nước dâng của hồ phải đạt 515m. Tuy nhiên, do năm 2010 bị "thất thu" mùa lũ, mấy tháng nay lại chưa có giọt mưa nào nên đến thời điểm này, mực nước trong hồ chỉ đạt 498,9m, thấp hơn mực nước dâng bình thường tới 17m, chỉ cao hơn mực nước chết gần 9 m, kiệt nhất so với 50 năm qua. Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Luận – giám đốc Công ty Thủy điện Yaly thì mực nước hồ còn cao hơn mực nước chết là do nhà máy được chỉ đạo phát điện cầm chừng để dành nước cho mấy tháng cao điểm sắp tới chứ nếu các tổ máy cứ chạy theo công suất thiết kế thì chẳng được mấy ngày. Ở thượng nguồn Sê San, lòng hồ thuỷ điện Pleikrông (Kon Tum) mực nước cũng chỉ đạt 464,7m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 7,3m, bằng khoảng 60% của năm trước. Trong khi lượng nước về hồ thời điểm hiện tại chỉ bằng 65-70% so với trung bình nhiều năm. Hồ thủy điện Sesan 3 cũng chỉ đạt 304,5 m, trên mực nước chết 1,3 m. Mực nước ở các cửa xả của các hồ thủy điện đều nằm dưới mốc số 0, cỏ mọc che lấp hệ thống cửa xả đang nằm trơ giữa nắng vì suốt từ năm ngoái đến nay chưa có giọt nước nào lọt qua. Điều đáng lo hơn cả là hầu hết các hồ thủy điện chỉ có thể trông chờ vào trời, trong khi mùa khô còn kéo dài mấy tháng nữa. 

Thủy điện giảm tối đa công suất


Công ty Thuỷ điện Yaly có 3 nhà máy là Thuỷ điện Yaly, Pleikrong và Sê San 3 với tổng công suất 1.080MW, sản lượng điện bình quân đạt 5,3 tỉ kWh. Do hạn hạn kéo dài nên năm 2010, sản lượng điện tại đây chỉ sản xuất được 3,785 tỉ kWh, đạt 75% kế hoạch được giao. Theo giám đốc Tạ Văn Luận, sáu tháng đầu năm 2011, tổng lượng điện được EVN giao sản xuất là 1,2 tỉ kWh nhưng cả hai tháng đầu năm, do tình hình nguồn nước vô cùng khó khăn nên các nhà máy mới chỉ sản xuất được 170 triệu kWh. Riêng 10 ngày đầu tháng 3, sản lượng điện chỉ đạt từ 5 - 6 triệu kWh/ngày. Hiện nay, theo lệnh điều độ của A0, các nhà máy chỉ chạy cầm chừng để phủ đỉnh lúc cao điểm, các giờ khác chỉ chạy bù vô công nên nguồn điện sản xuất thực tế chỉ đạt khoảng 1/10 năng lực sản xuất điện của Công ty. Ông Luận không giấu nổi lo lắng vì với lượng nước như hiện nay thì 6 tháng mùa khô đạt được 1 tỉ kWh đã là khó khăn chứ đừng nói gì đến kế hoạch 1,2 tỷ kWh. Theo kế hoạch, lượng điện còn lại để đạt kế hoạch sản xuất cho cả năm sẽ được tập trung vào 6 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, nếu mùa mưa năm nay lại thất thu mùa lũ như năm ngoái thì thật là thảm họa. Việc thiếu hụt sản lượng điện chắc chắn không khắc phục được.

Quan trọng vẫn là sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên thời gian gần đây thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 40%. Dự báo, từ nay đến hết tháng 5 lượng mưa hầu như không đáng kể, nhiều nơi thậm chí không có mưa, nắng nóng trải dài trên diện rộng, khả năng hạn hán khốc liệt hơn hẳn các năm trước. Vì vậy, nguồn nước về các hồ chứa dự báo còn thấp hơn từ 10 - 50% so với cùng kỳ. Hệ thống sông Sê San, sông Ba sẽ có mức nước thấp hơn mức trung bình các năm trước từ 0,4-0,6m. Đến cuối tháng 5 mới có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn và mùa mưa sẽ bắt đầu từ khoảng giữa tháng 6.
Như vậy, từ nay đến hết mùa khô, mực nước các hồ chứa thuỷ điện sẽ tiếp tục xuống thấp hơn. Việc sử dụng nguồn nước trên các hồ đảm bảo cân đối sản xuất điện lẫn sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt là nhiệm vụ rất quan trọng và vô cùng khó khăn.

Để phần nào khắc phục tình hình đảm bảo an ninh năng lượng, EVN đang tiếp tục chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị thành viên theo dõi sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để điều hành hợp lý, vừa giữ cho hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, vừa cải thiện tình hình cung ứng điện, đồng thời huy động tối đa các nguồn nhiệt điện. Tuy nhiên, do tỷ trọng thủy điện trong hệ thống chiếm tới 33% nên hậu quả thiếu điện do hạn hán là rất nặng nề. Ngoài giải pháp tăng cường cung ứng điện, thực hiện cắt điện luân phiên, EVN kêu gọi người dân và các doanh nghiệp nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Các doanh nghiệp tích cực thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng hợp lý trong điều kiện khó khăn về sản lượng điện hiện nay.